LÝ GIẢI CHUYỆN HÀNG TRUNG QUỐC GIÁ RẺ
Đúng là Trung Quốc có nguồn nhân lực dồi dào với mức lương tương đối thấp, quy mô sản xuất lớn do có thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ, sự trợ cấp khuyến khích sản xuất và xuất khẩu của chính phủ, đồng nội tệ được định giá thấp...
Nhiều nước đang phát triển khác cũng có các yếu tố này, dù không bằng Trung Quốc, nhưng họ không thể có được một năng lực cạnh tranh lớn về giá như Trung Quốc.
Đáng nói hơn là ở Việt Nam, mỗi khi hàng hóa chiến lược đầu vào như xăng dầu tăng giá thì chắc chắn giá cả nhiều mặt hàng khác sẽ tăng theo, còn giá cả hàng hóa Trung Quốc hầu như không có biến động lớn.
Trước hết, có thể nói ngay rằng khu vực doanh nghiệp ở Trung Quốc về cơ bản không có hiệu quả về mặt sinh lợi. Thoạt nhìn, có cảm tưởng khu vực này rất thành công về mặt lợi nhuận, nhưng nếu tính đến sự cạnh tranh bất hợp lý, biên độ lợi nhuận thấp, gánh nặng hàng đống công nợ và nếu nhu cầu tiêu thụ giảm đi một chút ít, thì lập tức lợi nhuận sẽ “cuốn theo chiều gió”.
Biên độ lợi nhuận, theo các nhà phân tích, đang bị co hẹp không chỉ bởi dư thừa cung hàng hóa mà còn bởi chính các doanh nghiệp, trong nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh, đang phải gồng mình chịu gánh nặng tăng giá các hàng hóa vật tư đầu vào mà không chuyển sự tăng giá này cho người tiêu dùng.
Đây là một khác biệt rất quan trọng về phương châm kinh doanh giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp các nước khác, ví dụ như Việt Nam.
Các nhà phân tích đã lấy phương châm kinh doanh này làm lý do để giải thích tại sao, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển quá nóng trong mấy năm qua (và do đó thường có xu hướng gây lạm phát) nhưng lạm phát chỉ mới xảy ra ở nhóm hàng hóa lương thực.
Trên thực tế, như nhiều phân tích cho thấy, Trung Quốc đang đi theo mô hình kinh doanh cũ của châu Á - coi trọng thị phần hơn là lợi nhuận, vì thế các nhà sản xuất của nước này không chuyển lạm phát lên vai người tiêu dùng.
Họ có thể sống khỏe với phương châm này vì doanh số tiêu thụ hàng hóa của họ đang tăng rất nhanh. Họ chẳng hề bận tâm đến biên độ lợi nhuận. Nhưng thực ra, cuối cùng thì họ sẽ phải tính đến điều này. Vấn đề chỉ là thời gian.
Trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, sự phát triển nguồn cung quá mức như vậy chỉ có thể dẫn đến một kết quả: một sự suy thoái trầm trọng, khi các ngành sản xuất bắt buộc phải điều chỉnh để quay về trạng thái cân bằng cung - cầu bằng việc tái cơ cấu và đạt lại biên độ lợi nhuận cần thiết để tồn tại lành mạnh.
Song, hiện nay người ta không cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhanh chóng giảm tốc độ tăng trưởng. Tính trung bình, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu chỉ vào khoảng 8 - 9%, một con số quá thấp. Nhưng họ vẫn có thể ung dung sống với mô hình này chừng nào các ngân hàng còn tiếp tục rót vốn đầu tư cho doanh nghiệp của họ.
Và truy đến cùng thì các ngân hàng chỉ là một cánh tay của nhà nước (nhà nước hầu như trong mọi trường hợp sẽ ra tay cứu trợ các ngân hàng có vấn đề về khả năng chi trả).
Trung Quốc đang bước vào thời kỳ có tính siêu cạnh tranh: họ có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khổng lồ, năng lực sản xuất dư thừa, và nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào.
Nếu một nước nào đó (ví dụ như Việt Nam) có một mặt hàng xuất khẩu giống Trung Quốc thì trước khi định tăng giá bán mặt hàng đó do một cú sốc cung chẳng hạn, nước đó sẽ phải suy nghĩ thật kỹ, đơn giản vì họ không thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc.
Vậy những “nạn nhân” của hàng Trung Quốc, đặc biệt những nước tương đối nhỏ, yếu như Việt Nam, có thể và cần phải làm gì để cải thiện tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế? Có lẽ không có nhiều giải pháp khả thi, ngoài những cố gắng tự thân nhằm hợp lý hóa sản xuất, cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm, cắt giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ, kiềm chế tăng giá đồng nội tệ...
Bên ngoài chỉ còn trông chờ vào việc bản thân Chính phủ Trung Quốc có những biện pháp kiềm chế tăng trưởng quá nóng và do đó giảm sức ép về giá hàng hóa xuất khẩu trên toàn cầu.
Theo TS. Phan Minh Ngọc
Thời Báo KTSG